Nhiều cha mẹ rất vất vả và lo việc ăn uống cho trẻ con tuổi chập chững độ 12 tháng đến 3 tuổi. Cha mẹ muốn trẻ ăn món ăn dinh dưỡng, nhưng trẻ lại vứt bỏ thức ăn trên sàn nhà. Có cha mẹ tức giận lên tiếng la rầy, hoặc ép con phải ăn. Xin bạn đừng quá lo lắng hoặc thất vọng. Có trẻ ham chơi bỏ ăn vào ngày hôm trước nhưng lại ăn bù gấp đôi vào ngày hôm sau. Bạn hãy tham khảo ý kiến với bác sĩ nhi khoa hoặc trao đổi cùng các cha mẹ khác có con cùng lứa tuổi. Bạn có thể sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn khi bác sĩ cho biết con bạn vẫn phát triển bình thường, hoặc con bạn giống như bao nhiêu em bé cùng lứa tuổi khác. Sau đây là vài điều chỉ dẫn trong việc cho trẻ ăn uống.
1. Những điều nên làm:
- Tạo thói quen ăn uống chung cho cả mọi người trong gia đình, và không khí vui thú hài hòa cùng làm và cùng ăn với con trẻ để giúp trẻ ăn được và biết thêm nhiều từ ngữ mới.
- Khuyến khích trẻ ngồi vào bàn cùng ăn với cả gia đình. Khi trẻ bắt đầu biết đi chập chững 1 đến 2 tuổi. Nếu trẻ muốn ăn thêm, dọn thêm một phần ăn nữa. Đừng ép trẻ ăn.
- Nếu con của bạn không chịu ăn, bạn thử dọn món khác trong loại thức ăn lành mạnh. Ví dụ nếu con bạn không chịu uống sữa, thử cho ăn phô mai hoặc uống sinh tố trái cây.
- Đừng lưu trữ thức ăn dặm nhiều chất béo và đường ở trong nhà.
- Tạo thói quen cho trẻ ăn rau cải và trái cây cho các lần ăn dặm.
- Cho trẻ tự dùng tay cầm thức ăn cho vào miệng khi trẻ được khoảng 8 - 10 tháng tuổi.
- Cắt rau cải, trái cây như khoai tây, khoai lang, bí, lê, táo thành những hình dạng khác nhau (hình sao, hình vuông, hình tròn…) cho trẻ thấy hấp dẫn và khuyến khích trẻ cầm bốc tự ăn. Chỉ nên đút ăn các thức ăn lỏng.
- Lên 18 tháng, trẻ thích tự ăn một mình, và đến 24 tháng trẻ có thể cầm muỗng thuần thục hơn. Hãy khuyến khích để tự cầm thức ăn một mình.
- Cho trẻ 3 - 5 tuổi tham gia giúp bạn làm một số món ăn đơn giản, hoặc chuẩn bị cho bữa ăn như rửa rau, dùng dao nhựa cắt đậu, dọn bàn, xếp muỗng nĩa, đũa.
- Nếu con bạn đi nhà trẻ, hãy tìm hiểu xem ở nhà trẻ cho trẻ ăn món chính và món phụ loại nào, và bao lâu cho ăn một lần.
- Hãy tạo gương tốtcho trẻ ăn, chính bạn cũng ăn uống lành mạnh. Khi dọn món ăn mới cho trẻ, bắt đầu với khẩu phần nhỏ và dọn thêm nếu trẻ yêu cầu.
- Cho trẻ luyện tập thể dục: Nhảy dây, bơi lội, ném banh, đi bộ, nhảy múa. Trẻ nhỏ phải có ít nhất 30 đến 60 phút hoạt động thân thể mỗi ngày.
2. Điều không nên làm:
- Đừng trộn lẫn những món trẻ thích ăn với những món trẻ không thích ăn, vì có thể sẽ làm trẻ bỏ ăn luôn những món trẻ thích.
- Nếu trẻ không thích ăn một món gì đó trên bàn, đừng vội vã cho trẻ thay đổi món khác, nhưng bạn cũng đừng ép đút món ăn trẻ không thích. Bạn hãy để thức ăn trước mặt trẻ độ 10 - 15 phút, sau đó, nếu bé không ăn, bạn hãy cất đi. Nếu con bạn phát triển bình thường, thì cho dù trẻ bỏ một bữa chính hay một bữa ăn phụ cũng sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho trẻ.
- Hàng ngày, hãy giới hạn thời gian cho những sinh hoạt không vận động cơ thể như xem tivi, sử dụng máy tính và chơi trò điện tử.