Bé của bạn biếng ăn, khi ăn hay ngậm hoặc phun thức ăn ra không chịu nuốt, sau đó lại nôn ra hêt. Nếu tình trạng này không khắc phục kịp thời, bé sẽ chậm tăng cân hoặc nặng hơn là suy dinh dưỡng. Xin giới thiệu với quý phụ huynh một số phương cách để giúp bé ăn nhiều hơn và vượt qua tình trạng biếng ăn và giảm bớt nôn mửa.
1. Giúp trẻ làm quen với các vị mới qua cách kích thích trí tò mò của trẻ một cách tự nhiên bằng cách cho trẻ ngửi các mùi vị của rau cải, trái cây. Trẻ em đều thích vị ngọt hơn các vị khác, nhưng bằng sự khéo léo bạn sẽ hướng sự chú ý của bé vào các vị khác. Hãy để bé khám phá món ăn mới. Nếu chúng không thích, không nên ép, tuy nhiên hãy thử vào lần sau.
2. Hãy chấp nhận một số ý thích của trẻ khác với ý thích của ba mẹ. Bạn đừng bực mình, chẳng qua vì khẩu vị của bé đòi hỏi khác với chúng ta. Ví dụ nếu bé chỉ thích bánh mì không hay cơm trắng bạn cứ chiều theo ý thích của bé, chắc chắn đến một lúc bé sẽ chán.
3. Hãy nói chuyện về các loại rau củ, trái cây với màu sắc mà trẻ yêu thích. Trò chuyện về các món ăn một cách tinh tế sẽ làm cho bữa ăn trở nên hấp dẫn để cùng ăn một cách vui vẻ và thư giãn.
4. Đừng ép bé ăn món gì mà bé không thích, thay vì cho bé ăn thịt, bạn có thể cho bé ăn xúc xích, cá hoặc trứng. Nếu bé không thích ăn rau, hãy cho bé ăn thêm trái cây. Đừng trộn chung những món mà bé không thích vào các món ăn bé thích, bé sẽ phát hiện ra rồi sau đó sẽ không chịu ăn gì nữa. Điều nguy hại nhất là bạn đã làm cho con trẻ ghét luôn cái món mà bé vẫn thường thích.
5. Đừng kéo dài bữa ăn của trẻ. Mỗi bữa ăn bạn nên bớt ít khẩu phần và bạn hãy ngồi cạnh bé, hãy để trẻ tập trung ăn khoảng 20 – 30 phút. Nếu hết thời gian đó mà con bạn chưa ăn xong thì ngưng ngay bữa ăn. 2 tiếng sau hcho bé ăn tiếp.
6. Không nên cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn khoảng 30 phút. Nếu ăn vặt trước bữa ăn bé sẽ chán ăn bữa ăn chính.
7. Nên để trẻ cùng nấu ăn/hoặc chuẩn bị bữa ăn với ba mẹ các món ăn đơn giãn để gây cảm giác thích thú các món ăn đơn giản giúp trẻ ăn ngon miệng món mình đã giúp ba mẹ. Các món ăn đơn giản như: món khoai tây tán nhuyễn với bơ hoặc phô mai, món xà lách rau củ trộn sốt mayonnaise. Bé giúp ba mẹ cắt các rau cải nhỏ ra như dùng dao nhựa nhỏ cho bé cắt giúp các khoanh cà rốt, đậu cô ve để nấu soup.
8. Hãy để sữa chua và trái cây tươi trong tủ lạnh cho trẻ luôn nhìn thấy để chọn lựa chỉ các loại thức ăn đó khi thèm ăn.
9. Hãy áp dụng quy tắc “hoặc” chứ không phải là “và” để trẻ chọn lựa một trong hai món ăn mà bạn đưa ra. Không nên cấm đoán mà để trẻ chọn lựa. Chính ba mẹ là người quyết định thực đơn. Hãy nên nhớ sự cân bằng dinh dưỡng không phải chỉ một ngày là có, mà được vun đắp trong cả tuần, cả tháng khi trẻ ăn uống vui khoẻ.
10. Hãy nên gợi cho bé ăn khi đã đói. Trẻ em thường chối bỏ thức ăn chẳng qua là vì trẻ chưa kịp đói. Có thể do bạn đã vô tình không cho bé cơ hội ấy. Hãy thử trong vài ngày liên tục không ép bé ăn và hãy đợi để tự bé phải nhắc đến bữa ăn vì đói bụng.
11. Hãy tạo cho bé thấy rằng bữa ăn là niềm vui, là sự thích thú khám phá các món ăn đầy màu sắc, màu cam của quả cà rốt, màu trắng của đậu hủ, màu xanh của rau mồng tơi, màu đỏ của quả cà chua,... . Hãy quan tâm đến không khí của bữa ăn, tránh sự vội vã, lộn xộn hay cau có thể sẽ làm bé ăn mất ngon. Cùng tạo không khí thoải mái để bé thấy rằng bữa ăn là niềm vui, là sự thích thú giống như bé đang chơi một trò chơi vui vậy.
12. Hãy để trẻ tự ăn. Trẻ 2-3 tuổi sẽ ăn nhiều hơn nếu chúng ta cứ để bé tự dùng muỗng xúc cơm và đưa lên miệng. Nếu người mẹ cứ bón cho con ăn mãi, dần dần bé sẽ nhận thấy rằng bữa ăn đúng là một cực hình đầy khó chịu, chẳng khác gì phải uống thuốc khi bị bệnh.