Các điều trao đổi sau sẽ giúp cha mẹ chuẩn bị cho con trẻ nghe, làm theo chỉ dẫn, và hòa nhập với nhóm. Nếu con bạn chưa tham gia các hoạt động nhóm nhiều với trẻ khác, thì những hoạt động như chia sẻ, luân phiên, và chơi có tính hợp tác sẽ có thể khó khăn cho trẻ. Hãy giúp con bạn trở thành thành viên của nhóm bằng cách sắp xếp các ngày vui chơi với một hoặc hai bạn chung lớp hoặc thăm những người bạn thân thuộc.
1. Để trẻ có cảm giác mong muốn điều gì: Ít có trẻ nào mà không lo lắng về việc bắt đầu đi học. Tránh dụ trẻ bằng những câu nói như: “Đây sẽ là điều vui nhất mà con từng có” hoặc “Không có gì phải sợ cả” và đừng bao giờ phớt lờ những mối quan tâm và nỗi sợ hãi của trẻ. Hãy nên làm vơi nỗi sợ hãi của trẻ bằng thông tin. Nói với trẻ về những điều mong đợi khi đến trường – nơi trẻ sẽ đến, việc trẻ sẽ làm, và ai sẽ là người cùng lớp với trẻ. Trước khi đi học, cha mẹ đến tham quan lớp học cùng với con trẻ ít nhất một lần để trẻ biết cô giáo và một vài sinh hoạt của trường, tốt nhất là lúc có bạn chơi cùng lớp.
2. Luyện tập kỹ năng lắng nghe: Các giáo viên mầm non thường khích lệ những trẻ năng động ngồi xuống và chăm chú lắng nghe. Bạn có thể giúp trẻ làm quen với yêu cầu đó bằng cách thỉnh thoảng bảo trẻ ngồi yên và nhắm mắt lại. Sau đó bảo trẻ kể cho bạn nghe những âm thanh khác nhau mà trẻ nghe được. Nói về những gì tạo nên âm thanh và âm thanh bắt đầu từ đâu. Hãy bắt đầu bảo trẻ làm một chuỗi công việc, như mang giày vào phòng và cất vào tủ hoặc vào nhà tắm và rửa tay, và sau đó dọn bàn ăn tối cùng với bạn. Bạn cũng có thể chơi những trò chơi đòi hỏi trẻ nghe theo lời chỉ dẫn, giải quyết vấn đề, và luân phiên. Hãy chơi trò “Tôi Làm Gián Điệp” trong xe hoặc đi vòng trong khu xóm. Bật mí về điều bạn thấy, “Ba (Mẹ) thấy có một cái gì đó…thật cao.” Con bạn sẽ hỏi về vật đó cho đến khi trẻ đoán ra được đó là vật gì. Trò chơi “Simon Nói” cũng là một trò chơi hay, mang tính lắng nghe và làm theo chỉ dẫn.
3. Đọc sách cho trẻ mỗi ngày: Hàng ngày, hầu hết các lớp mầm non đều có ít nhất một buổi đọc sách cho trẻ. Hãy dành ra 15 phút mỗi ngày để đọc sách cho trẻ sẽ là một sinh hoạt thân thuộc khi bắt đầu đi học. Những trẻ mà không làm quen với việc đọc sách từ sớm sẽ gặp khó khăn trong việc học đọc sau này. Trẻ mầm non không tự mình đọc sách được, nên trẻ cần học cách lắng nghe. Việc đọc to cho trẻ nghe là một cách hữu hiệu để giúp trẻ phát triển kỹ năng lắng nghe. Những câu chuyện có nhịp điệu rất dễ thu hút được trẻ, bạn hãy tìm sách có những cụm từ lặp đi lặp lại. Khi trẻ bắt đầu nhớ được cụm từ, hãy bảo trẻ cùng “đọc” với bạn và trẻ học cách đoán được đoạn kết của câu chuyện. Nếu bạn đọc chuyện “The Three Little Pigs/Ba Chú Heo Con”, sau khi chó sói nói, “Chú heo ơi hãy cho tôi vào” hãy để con bạn nói câu trả lời tiếp theo. Để giúp trẻ hình thành kỹ năng đó, bạn có thể dừng đột ngột trong lúc đọc và hỏi trẻ nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, hoặc trẻ nghĩ câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào.
4. Hình thành thói quen chào tạm biệt: Nếu đây là lần đầu tiên trẻ sinh hoạt xa bạn, trẻ có thể lo lắng rằng bạn sẽ không trở lại, hoặc bạn sẽ đi lạc hoặc sẽ không thể tìm được đường về trường để đón trẻ lúc cuối ngày. Tạo nên cách chào tạm biệt – như vỗ tay nhau, hoặc nói vài điều như, “Mẹ sẽ trở lại đón con sớm, trước khi chúng ta cùng thấy mặt trăng lên.” Trong vài ngày đầu, cho trẻ thêm thời gian để chuẩn bị sẵn sàng và ra khỏi nhà cùng bạn. Việc ở nhà càng ổn định, thì càng dễ dàng tách trẻ với bạn. Bạn không nên rời trẻ quá nhanh bằng cách trốn trẻ vì trẻ sẽ trở nên lo lắng hơn khi biết bạn rời khỏi. Hãy nên nói tạm biệt với trẻ. Đừng dây dưa và cũng đừng để trẻ biết bạn đang buồn. Hãy dứt khoác và tự tin và trẻ cũng sẽ học được điều đó.
5. Nuôi dưỡng tính nghệ thuật của trẻ: Nghệ thuật tạo hình – dù là vẽ bằng ngón tay hay nặn bột màu đều giúp trẻ phát triển thị giác và kỹ năng vận động tinh mà trẻ rất cần khi cầm bút viết. Luôn có trong tay giấy, màu sơn, bút sáp màu và những vật liệu khác và khuyến khích con trẻ tạo nên bất cứ điều gì trẻ muốn. Tạo ra một mê cung đơn giản và những bức hình kết nối các chấm lại với nhau sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng viết sau này.