Để hướng dẫn chúng ta ăn uống lành mạnh và bổ dưỡng, các chuyên gia khuyến khích chúng ta sử dụng biểu tượng mới với chiếc đĩa có năm màu sắc khác nhau, đơn giản và tiện ích gọi là MyPlate - Đĩa Thức ăn của Tôi - với những thông điệp sau: Đa dạng hóa thực phẩm trong bữa ăn & Giảm loại thực phẩm này và tăng cường loại thực phẩm kia
1. MyPlate - Đĩa Thức ăn của Tôi gồm có bốn phần chính (rau củ, trái cây, ngũ cốc và chất đạm) và một phần phụ có màu xanh dương biểu trưng cho sữa và các sản phẩm làm từ sữa.
2. MyPlate - Đĩa Thức ăn của Tôi được thiết kế với phần ngũ cốc lớn hơn phần chất đạm. Vì sao? Vì các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên ăn nhiều rau củ hơn trái cây, và nhiều ngũ cốc hơn chất đạm. Việc phân chia các phần trong đĩa thức ăn cũng nhằm mục đích hạn chế việc ăn thừa gây tăng cân.
3. MyPlate - Đĩa Thức ăn của Tôi có thể được áp dụng cho bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Bạn có thể thắc mắc: Tôi thực sự phải ăn rau củ cho bữa sáng hay sao? Câu trả lời là không, nhưng mục đích là ăn nhiều nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Nếu bữa sáng của bạn không có rau củ, bạn hãy nên ăn rau củ vào bữa ăn nhẹ kế tiếp.
4. MyPlate - Đĩa Thức ăn của Tôi còn chỉ ra cách cân bằng các nhóm thực phẩm. Lý do bạn không nên ăn nhiều chất đạm vì bạn không cần nhiều chất đạm. Ăn nhiều rau củ và trái cây sẽ giúp bạn dung nạp ít năng lượng, điều này sẽ giúp bạn có được cân nặng lý tưởng. Đồng thời, việc ăn nhiều rau của và trái cây cũng giúp bạn có được nhiều vitamin và khoáng chất.
5. MyPlate - Đĩa Thức ăn của Tôi khuyên chúng ta nên ăn đầy đủ và hài hoà trong 5 nhóm thực phẩm sau:
- Ngũ cốc: Chúng ta hãy nên ăn hai loại ngũ cốc: ngũ cốc nguyên chất gồm có bánh mì lúa mì, bánh cracker từ lúa mì, bột yến mạch, và gạo lức và ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng và các loại mì.
- Rau củ: Chúng ta có thể ăn các loại rau củ tươi, đông lạnh hoặc phơi khô bằng cách để nguyên, cắt nhỏ hoặc nghiền. Nên ăn nhiều loại rau củ có màu xanh lá cây đậm, màu đỏ và màu cam, như các loại đậu (họ đậu cũng được xem theo nhóm chất đạm). Các loại rau củ giàu dinh dưỡng như bông cải xanh, cà rốt, cải, đậu ván, đậu xanh, đậu đen, khoai tây, bí ngô, khoai lang, cà chua, đậu ngự và các loại nước ép 100% từ rau củ.
- Trái cây: Chúng ta có thể ăn các loại trái cây tươi, đông lạnh, phơi khô bằng cách để nguyên, cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn. Các loại trái cây bổ dưỡng cho sức khoẻ như táo, đào, chuối, nho, cam, bưởi, xoài, dưa, mơ, thơm, dâu và các loại nước ép 100% từ trái cây.
- Sữa: Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, và yogurt cũng như những loại thức uống không có hoặc có ít đường lactose và sữa đậu nành. Nên chọn các loại sữa và các sản phẩm từ sữa không có hoặc ít béo, những loại sữa và các sản phẩm từ sữa có chứa can xi cũng nằm trong nhóm này.
- Chất đạm: Chọn các loại thịt heo, thịt gia cầm, hải sản, các loại đậu, trứng, các sản phẩm từ đậu nành, và các loại hạt không muối. Phải đảm bảo ăn ít nhất 240 grams hải sản mỗi tuần.
6. Nếu dùng đĩa để thức ăn cho trẻ, ta có thể hình dung được mỗi đĩa thức ăn của trẻ được chia như sau:
- ¼ đĩa đạm và sữa
- ¼ đĩa ngũ cốc
- ½ đĩa trái cây và rau củ
7. Nhóm thực phẩm: Ngũ cốc - Trẻ nên ăn từ 90 đến 150 grams ngũ cốc mỗi ngày. Trung bình, một lát bánh mì có 30 grams tinh bột. Tương tự, 1 cốc ngũ cốc hoặc một nữa cốc gạo hoặc yến mạch có 30 grams tinh bột.
8. Nhóm thực phẩm: Trái cây - Trẻ từ 2 đến 8 tuổi nên ăn từ 60 đến 90 grams trái cây mỗi ngày. Trái cây ngon nhất khi ăn tươi, nhưng trẻ cũng có thể ăn những loại trái cây đông lạnh, nghiền, đóng hộp, ép hoặc phơi khô.
9. Nhóm thực phẩm: Rau củ - Trẻ từ 2 đến 8 tuổi nên ăn từ 60 đến 90 grams rau củ mỗi ngày. Nhiều trẻ thích ăn rau củ sống, nhưng cũng có nhiều cách cho trẻ ăn rau củ. Hấp, xào, đút lò, nghiền hoặc ăn cùng với các món chính. Một vài loại rau củ mà trẻ thích nhất như: Atisô, măng tây, các loại đậu, củ dền, bông cải xanh, cải Brussel, bắp cải, cà rốt, bông cải trắng, bắp, dưa leo, cải xoăn, tỏi tây, xà lách, nấm, mướp, hành, củ cải vàng, khoai tây, su hào…
10. Nhóm thực phẩm: Chất đạm - Trẻ cần đạm để hình thành, tái tạo, phát triển và duy trì hoạt động cho tất cả tế bào trong cơ thể. Chất đạm đóng vai trò hàng đầu trong sự phát triển cơ bắp của trẻ, sự phát triển và tái tạo các mô cần thiết. Một vài thực phẩm cung cấp chất đạm cần thiết cho sức khoẻ của trẻ: Các sản phẩm từ sữa (sữa, sữa chua, phô mai), các loại đậu, các loại hạt, trứng và thịt. Khi cho trẻ ăn các sản phẩm từ thịt, nên cho trẻ ăn những loại thịt nhiều nạc như thịt gà và cá. Theo Chuẩn dinh dưỡng để có sức khoẻ lành mạnh, với mỗi kg cân nặng:
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi (từ 10 đến 15 kg) cần 12 đến 20 grams đạm/ngày.
- Trẻ từ 4 đến 6 tuổi (từ 15 đến 21 kg) cần 20 đến 25 grams đạm/ngày.
- Trẻ từ 7 đến 14 tuổi (23 đến 45 kg) cần 25 đến 50 grams đạm/ngày.
11. Nhóm thực phẩm: Sữa và các sản phẩm từ sữa:
- Trẻ từ 1 đến 6 tuổi: Cần 470ml sữa mỗi ngày (khoảng 4 ly, mỗi ly = 120 ml).
- Trẻ từ 7 đến 14 tuổi: Cần 580 - 700 ml sữa mỗi ngày (khoảng 4.5 - 6 ly, mỗi ly = 120 ml).